Với sự phát triển không ngừng của công nghệ nhà thông minh (Smart home), ngôi nhà mà chúng ta sinh sống đang dần được chuyển mình trong thế kỷ 21 với nhiều tiện ích được tự động hóa, thông minh hóa, và phần nào đó giải thoát chúng ta khỏi những thói quen thường ngày.
Kể từ đầu năm 2019 đến cuối 2022, các chuyên gia ước tính thị trường smart-device (thiết bị thông minh) toàn cầu sẽ tăng trưởng tới 11% mỗi năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng chóng mặt của thị trường loa thông minh, nơi Amazon Echo, Google Home và Apple HomePod đang thống trị doanh số.
Sau loa thông minh, các thiết bị giám sát nhà và chiếu sáng thông minh được ước tính tăng trưởng hàng năm tương ứng là 26% và 23%. Quy mô thị trường kết hợp của 3 loại mặt hàng này có giá trị lên tới 33 tỷ USD.
Dẫu vậy, rất nhiều người dùng không chỉ ở Việt Nam, mà còn tại nhiều nước phát triển trên thế giới, cùng nhiều chuyên gia, vẫn không ngừng đặt câu hỏi về việc liệu những tác động của “hệ sinh thái” smarthome (Smarthome-Ecosystem) có phải là tích cực, hay chỉ giải quyết những vấn đề không thực sự tồn tại, thậm chí mang lại những thói quen tiêu cực.
Những tiện ích không mấy thực tế
Một bài viết của Larry Bellehumeur được xuất bản tháng 12/2015 trên tờ iot-now.com với tiêu đề: “Smart home: Solving problems or just making us lazy?” (tạm dịch: Smart home: Giải quyết vấn đề hay chỉ khiến chúng ta thêm lười biếng).
Larry kể lại rằng một lần chiếc máy giặt ở nhà anh bị hỏng, và anh tình cờ tìm thấy chiếc một máy giặt mới đang giảm giá trong dịp Black Friday trên Amazon. Anh không hề có dự định rằng sẽ mua một smart-device, mà chỉ tìm kiếm giải pháp để giặt sạch quần áo mà thôi.
Hóa ra, chiếc máy giặt mà Larry đặt mua chính là một smart-device điển hình. Nó sẽ gửi một đoạn văn bản vào smartphone của anh để thông báo các chu kỳ giặt, và cũng sẽ cảnh báo khi hoàn thành công việc.
Tuy nhiên đối với Larry, điều này chẳng hề mang lại cho anh chút cải thiện nào. Nhìn chung, chiếc máy giặt vẫn mất một thời gian cố định như trước, vẫn sử dụng cùng một lượng nước và xà phòng, và chẳng giặt sạch hơn là bao so với máy giặt thường.
Larry nghĩ rằng liệu có phải smart-device chỉ đơn thuần là giải quyết những vấn đề không thực sự tồn tại? Hay đây chỉ là xu thế nâng cấp căn bản của các nhà sản xuất để họ tiếp tục bán được những sản phẩm mới.
Sự tiến bộ lớn đằng sau mỗi sản phẩm, trên thực tế là việc phát minh ra những tính năng làm thay đổi hoàn toàn cách mà chúng ta sử dụng chúng. Điển hình như việc sử dụng một máy giặt thô dù “cổ lỗ” tới đâu, cũng dễ dàng hơn nhiều so với giặt bằng tay.
Những tiến bộ sau đó về cơ bản là quá ít, như cải thiện khả năng làm sạch của nước, tiết kiệm điện, nước, chất tẩy,…
Tiện lợi hơn, hay lười hơn?
Theo dòng phát triển của IoT (Internet of Things), những smart-device ngày nay bắt đầu mang đến tiện ích nhiều hơn. Hay có thể hiểu rằng chúng làm được nhiều việc hơn, và giúp con người làm ít việc hơn.
Lấy thí dụ như mẫu nồi cơm điện thông minh Mi Rice Mi Cooker robot mới được hãng Xiaomi giới thiệu gần đây. Chiếc nồi cơm điện này có thể tự cho gạo vào nồi, tự cho nước, tự vo gạo, và tự nấu thành cơm.
Tất cả quá trình này đều được làm tự động, và người dùng có thể theo dõi chúng thông qua một ứng dụng trên smartphone. Mi Cooker thậm chí có khả năng hỗ trợ nhiều chế độ nấu khác nhau, bao gồm nấu mì, nấu súp, nấu cháo,… để phù hợp với khẩu vị của mỗi gia đình.
Thoáng nghe qua thì đây có vẻ như sẽ là một thiết bị hoàn hảo cho những người bận rộn, không có thời gian để nấu cơm, thường là những cặp vợ chồng trẻ hoặc đã quá già để “vào bếp”. Bên cạnh đó, có thể kể đến thiết bị tự động phát sáng, tự điều chỉnh nhiệt độ căn phòng, hay robot tự quét nhà/lau nhà của các nhà sản xuất smart-device.
Song, liệu những tiện ích này có thật sự mang đến hiệu quả như mong đợi, hay nói cách khác là liệu có thích ứng được với con người Việt Nam, vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Anh Bình, có nhà ở tại chung cư Times City, Hà Nội, từng là một người yêu thích các thiết bị smart-device và từng lắp đặt rất nhiều trong căn nhà của mình. Tuy nhiên, anh Bình đánh giá rằng không phải thiết bị nào cũng mang đến tiện ích và tiện lợi cho gia đình.
“Tôi đã đã sử dùng nhiều thiết bị smart-device trong căn phòng của hai vợ chồng như smartTV, hệ thống chiếu sáng tự động khi bước vào, cảnh báo khói, chống trộm, cửa khóa tự động,…”, anh Bình chia sẻ. “Nhưng giờ đây thì chỉ còn giữ lại một số thứ vì những thứ kia cũng không mấy tiện dụng”.
Đặc biệt về những thiết bị smart-device cho công việc nội trợ như máy rửa bát, nồi cơm tự nấu, hay máy giặt tự giặt,… anh Bình cho biết hai vợ chồng quyết không sử dụng, vì không muốn tạo thói quen xấu cho các con.
“Tôi nghĩ rằng dù bận rộn tới đâu cũng nên thu xếp để tự làm việc nhà, tự nấu bữa cơm,… dành thời gian chơi với con trẻ. Chính những điều này sẽ là bài học cho trẻ nhỏ, thay vì dạy chúng hãy lười biếng và phụ thuộc vào những thiết bị thông minh để hoàn thành công việc”.
Chú Nam, cũng sống tại một chung cư cao cấp ở Hà Nội, nhưng cho biết không dùng bất kỳ một smart-device nào, vì hai vợ chồng vẫn quen thuộc với những thói quen sinh hoạt cũ. Trong khi đó, việc tiếp cận và sử dụng những thiết bị mới theo chú là khá phiền toái và chưa thực sự hữu ích.
Và những phiền toái…
Smart-device và smarthome rồi sẽ trở thành một xu thế trong tương lai. Thế nhưng tại thời điểm hiện nay thì smart-device có cảm giác như vẫn chưa hoàn thiện, và chưa được “thông minh” (smart) cho lắm.
Tác giả Lance Ulanoff của một bài viết được chia sẻ trên Medium hồi tháng 12/2018 nhận định rằng “công nghệ Smart home vẫn chưa đủ thông minh”, dẫu có hàng triệu người giống như anh, đã tham gia vào cuộc cách mạng smart home. Đa số những người này tìm mua và sử dụng các thiết bị smart-device được giảm giá trong mùa mua sắm cuối năm 2018.
Thế rồi, Lance phát hiện thấy ra rằng những thiết bị được xem là sẽ giúp ngôi nhà trở nên thông minh, kỳ thực lại trở thành một loạt những phiền toái.
“Hệ thống đèn của tôi phát sáng theo hẹn giờ, cho tới khi chúng ngừng hoạt động. Webcam an ninh thì báo hiệu ngay cả khi gặp phải con mèo hàng xóm hay thậm chí một cơn gió mạnh. Hệ thống điều hòa thì bỗng dưng tăng nhiệt độ quá nóng vào ban đêm. Trợ lý âm thanh thì bắt chuyện với chúng tôi mọi lúc”.
Bên cạnh đó, còn những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng mà anh chưa từng nghĩ đến, như không phải mọi thiết bị smart-device đều sử dụng chung nền tảng, do có khá nhiều nhà sản xuất đang tham gia vào thị trường này và muốn xây dựng một nền tảng, một hệ sinh thái cho riêng mình.
“Sẽ rất khó để bạn khi sử dụng một dòng sản phẩm smart-device của hãng này, để rồi mua thêm một smart-device của hãng khác”, Lance nói. “Chúng có thể chẳng tương thích gì với nhau”.
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều app được kết nối cũng có thể khiến bạn phải đau đầu, đặc biệt là khi bạn không có nhiều kiến thức về công nghệ. Lúc này, một số người dùng chỉ ước rằng họ được quay về với những sản phẩm và thiết bị truyền thống: Đơn sơ, nhưng cũng đỡ rắc rối hơn rất nhiều.
Hồi tháng 2/2019, từng có một sự việc hy hữu khi chiếc xe thông minh chạy điện của hãng NIO, Trung Quốc bất ngờ gặp sự cố khóa trái cửa khiến hành khách mắc kẹt trong nhiều giờ. Hóa ra, nguyên nhân là do người dùng đã vô tình cập nhật hệ điều hành của chiếc xe trong khi đang hoạt động trên đường.
Nhiều smart-device trong nhà, do được kết nối Internet và cập nhật firmware thường xuyên, cũng có thể gây ra tình trạng tương tự, khiến người dùng không có kiến thức về công nghệ “chẳng biết đâu mà lần”.
Ngành công nghiệp của tương lai, hay chỉ là một hướng đi khác?
Dẫu còn nhiều điểm thiếu hợp lý, thậm chí là bất cập, song, không thể phủ nhận rằng smart-device, hay IoT vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và thích ứng với đời sống con người. Quá trình này có thể kéo dàng nhiều năm, cho đến hàng chục năm, do sự khác biệt về thị trường và nhu cầu sử dụng tại mỗi quốc gia là khác nhau.
Làn sóng IoT vẫn đang lan rộng hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Một trong những cửa hàng của Xiaomi – nhà cung cấp thiết bị smart-device khá phong phú, tại Hà Nội cho biết ngày càng có nhiều người tới hỏi mua những thiết bị lắp cho căn nhà thông minh.
Trong đó, một số sản phẩm thậm chí “cháy hàng”, và “về đến đâu, hết đến đó”, có thể kể đến như bộ đo nhiệt độ căn phòng, cảm biến nhận biết chuyển động, hệ thống đèn tự chiếu sáng, và kết nối với chúng là bộ điều khiển trung tâm.
Tuy nhiên, việc smart-device có trở thành một xu thế được áp dụng bởi tất cả các hộ gia đình hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Có lẽ, sẽ công bằng hơn khi xem rằng smart-device hay smart home giống như một hướng đi mới, sẽ tồn tại song song cùng với những thói quen cũ, thay vì loại bỏ và thay thế lẫn nhau.
Smart-device thích hợp nhất là dành cho những ai muốn tìm hiểu trải nghiệm mới, công nghệ mới, khiến cho cuộc sống thêm màu sắc.
Trong khi đó, với những người dùng tìm kiếm sự chắc chắn, ổn định, và tránh những phiền toái có thể phát sinh, thì những thiết bị thông thường của một ngôi nhà thông thường vẫn sẽ là lựa chọn an toàn nhất.
Nguồn:”Dân trí”