Nhà thông minh (smarthome) đang dần trở thành xu hướng mới trong thời đại hiện nay bởi sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, điều gì cũng sẽ có 2 mặt, và bạn nên xem qua 7 vấn đề dưới đây trước khi thiết lập nhà thông minh cho gia đình mình.
1. Mức độ tương thích
Hiện nay, có một số hệ sinh thái nhà thông minh nổi tiếng như Google Home, Apple HomeKit hay là Alexa, và không phải lúc nào tất cả thiết bị thông minh đều hỗ trợ các nền tảng này. Bạn cần cân nhắc lựa chọn các sản phẩm sao cho chúng cùng thuộc một hệ sinh thái thì khi ấy mới có thể hoạt động được nhé!
2. Luôn cần kết nối mạng mạnh và ổn định
Mạng Internet như là “trái tim” của nhà thông minh bởi nếu không có nó, hệ thống nhà thông minh cũng không thể hoạt động được. Điều này còn dẫn đến một vấn đề khác là bạn cần có đường truyền Internet đủ mạnh và ổn định, nhờ thế mà tín hiệu được gửi đến các thiết bị thuộc hệ sinh thái mới có thể hoạt động trơn tru được.
3. Chủ yếu sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh
Thông thường, gia chủ sẽ ra lệnh cho các thiết bị thông qua các trợ lý ảo như Google Assistant, Alexa hay Siri trên điện thoại. Tuy nhiên, hầu như các trợ lý ảo nổi tiếng này, trừ Google Assistant, thì vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt, và người dùng cần phải ra lệnh bằng tiếng Anh.
4. Can thiệp vào dữ liệu cuộc sống
Trong quá trình thiết lập nhà thông minh, chúng sẽ yêu cầu cấp quyền truy cập vào camera, định vị hay là micro, và những dữ liệu này sẽ được gửi về các nhà sản xuất. Thế nên, bạn cần biết và cân nhắc cấp quyền cho chúng, đồng thời ưu tiên các sản phẩm mà bạn được quyền kiểm soát dữ liệu của bạn.
5. Đôi khi xảy ra tình trạng cảnh báo sai
Việc hệ thống thông báo nhầm là việc có thể xảy ra, ngay cả khi bạn chỉ đang trò chuyện với người khác mà không ra lệnh cho các trợ lý ảo. Bạn vẫn có thể điều chỉnh lại trong phần cài đặt, tuy nhiên sẽ không giải quyết triệt để được tình trạng này.
6. Đảm bảo pin cho các thiết bị thông minh
Để tránh tình trạng các thiết bị thông minh trong gia đình bạn bất chợt không hoạt động bởi vì hết pin, bạn cần chuẩn bị vài viên pin dự phòng để luôn đảm bảo các thiết bị đó có thể hoạt động mượt mà trong hệ sinh thái nhà thông minh của mình.
7. Vấn đề bảo mật
Vì hệ sinh thái nhà thông minh hoạt động hoàn toàn dựa trên kết nối Internet, vậy nên nếu chỉ cần có một lỗ hổng, kẻ xấu có thể đột nhập và chiếm quyền điều khiển được các thiết bị trong gia đình. Ngoài ra, các thông tin của của gia đình cũng có thể là miếng mồi béo bở bởi dành cho tội phạm.
Vậy nên, bạn nên chọn những thiết bị có thương hiệu lớn để hạn chế rủi ro này, đồng thời có trách nhiệm tự bảo vệ các thiết bị trong gia đình, tránh để rò rỉ thông tin trên Internet.